A. HIỆU ĐÍNH.
Sau khi việc đọc bài theo Phương pháp Biến dịch kết thúc, nhưng vấn đề chưa được sang tỏ, hoặc vẫn còn những câu hỏi khác thì chúng ta thực hiện như sau:
Lấy các lá bài chưa được sử dụng trong phương pháp Biến dịch. (35 lá còn lại), đặt thành một tụ trước mặt Querent, lật ngửa lên trên. 35 lá bài sẽ được xào và cắt như trước đó, sau đó được chia thành 6 tụ như sau:
Tụ I gồm 7 lá.
Tụ II gồm 6 lá, tiếp tục như vậy, tụ III là 5 lá, tụ IV có 4 lá, tụ V có 2 lá và tụ cuối cùng có 11 lá. Sắp xếp các tụ như hình:
Liên tục lấy các tụ và xếp chúng thành 6 hàng, chiều dài không cần thiết phải bằng nhau.
Hàng đầu tiên tượng trưng cho ngôi nhà, môi trường v…v…
Hàng thứ 2 tượng trưng cho người, sự vật, sự việc đang được xem xét.
Hàng thứ 3 tượng trưng cho những thứ đang diễn ra bên ngoài, sự kiện, con người, v…v…
Hàng thứ 4 tượng trưng cho một điều bất ngờ, không được ngờ tới, v…v…
Hàng thứ 5 tượng trưng cho sự chia sẻ, giúp cân bằng với những điều xấu ở các hàng trên.
Hàng thứ 6 thì cần phải trao đổi thêm với Querent để làm sáng tỏ vấn đề, một phần của nó không quan trọng cho lắm.
Những lá bài này nên được đọc từ trái sang phải, bắt đầu từ hàng trên cùng.
Ta có thể kết luận rằng không có phương pháp bói Tarot nào mà không áp dụng được cho những lá bài Tây thông thường, ngoại trừ những lá mặt thêm vào, và trên hết là những lá Ẩn Chính, những lá làm tăng giá trị và độ chính xác của lời tiên tri.
Và đây, để kết thúc mọi vấn đề, tôi còn một số lời – như là lời kết – xa xa hơn một chút. Đó là tôi có cảm giác rằng các lá ẩn chính chứa đựng thuyết huyền bí trong đó. Ở đây không có nghĩa là tôi đã quen với hội kín và hội huynh đệ mà trong đó các học thuyết được xây dựng và có cả những kiến thức Tarot cấp cao. Tôi cũng không nói rằng những học thuyết đó, được gìn giữ và truyền lại, có thể được phát triển một cách độc lập trong các lá ẩn chính. Những học thuyết đó không hề tách rời khỏi Tarot. Các hội kín tồn tại có những kiến thức đặc biệt ở cả hai mảng; kiến thức dựa trên Tarot và những kiến thức ngoài Tarot; cả 2 mảng đều có một gốc chung. Nhưng cũng có những thứ được bảo tồn, không phải trong hội kín hay ngoài xã hội, mà được truyền lại theo một cách khác. Ngoài những cách kế thừa này ra, bất kì ai nghiên cứu huyền học cũng có thể phân chia và kết hợp các lá The Magician, The Fool, The High Priestes, The Hierophant, The Empres, The Emperor, The Hanged Man và The Tower. Sau đó anh ta có thể xem xét lá bài Last Judgement. Chúng chứa những huyền thoại về linh hồn. Những lá ẩn chính khác là những chi tiết – như người ta vẫn thường nói - những biến cố. Có lẽ một người như vậy sẽ bắt đầu hiểu được những thứ sâu xa ẩn sau các biểu tượng, cho dù người đầu tiên sáng tạo ra là ai và cách thức bảo tồn như thế nào. Nếu như vậy, anh ta cũng sẽ hiểu tại sao tôi lại lo lắng cho bản thân, nhưng vẫn bất chấp mạo hiểm để viết về vấn đề bói bài này.
B. BÌNH LUẬN
a. Nguồn gốc của trải bài:
Trải bài này nằm trong cuốn Pictorial Key To The Tarot của A.E.Waite xuất bản năm 1911. Cuốn sách này có thể được xem là Phúc Âm của giới Tarot. Nếu bạn nói rằng bạn sử dụng Tarot nhưng chưa từng đọc qua cuốn này thì cũng giống như một tín đồ Công Giáo chưa từng biết đến Kinh Thánh vậy.
Trải bài này thực chất là một trải bài phụ nhằm hỗ trợ cho phương pháp biến dịch 42 lá (chính xác là 43 lá cả thảy) ở trong cuốn sách này. Khi phương pháp biến dịch với 42 lá không đem đến kết quả như ta mong đợi, hoặc có những vấn đề chưa được sáng tỏ, ta sẽ tiếp tục đào sâu vấn đề với 35 lá bài còn lại.
b. Cơ sở lý luận:
Như ta đã biết, trải bài này là một trải bài phụ hỗ trợ cho phương pháp biến dịch, vậy nên cơ sở lý luận của trải bài này là dựa vào phương pháp biến dịch.
Phương pháp này được sử dụng khi không có câu hỏi xác định, khi người hỏi muốn biết chung chung những việc liên quan đến cuộc sống và số phận của họ. Khi những lá bài trước đó không thể cho ta biết kết quả, thì ẩn số nằm trong những lá bài còn lại.
Phương pháp này sử dụng nhiều lá bài nhưng không gán ý nghĩa cho từng vị trí, bởi vậy nên trực giác của người bói trong phương pháp này là rất quan trọng.
c. Ưu và khuyết điểm của trải bài:
- Ưu điểm: Trải bài này là một trải bài bổ trợ nhằm làm sáng tỏ những vấn đề còn chưa được nhìn thấy hết ở trong phương pháp biến dịch. Tuy sử dụng nhiều lá bài nhưng trải bài này khá dễ nhớ và dễ sử dụng, bởi nó cần nhiều trực giác, cảm giác hơn là các kiến thức về thủ tục, biểu tượng v…v…
- Khuyết điểm: Vì nó là một trải bài phụ cho nên ít khi được sử dụng như một trải bài độc lập. Tất nhiên nếu bạn muốn sử dụng nó như một trải bài riêng biệt thì cũng hoàn toàn được. Nhưng với số lượng lá khá lớn, lên tới 35 lá thì đây không phải là trải bài dùng trong trường hợp hạn chế về không gian cũng như thời gian. Vì phương pháp này sử dụng nhiều trực giác, nên đôi khi người bói sẽ lạm dụng nó và dẫn tới sai lầm trong kết quả.
d. Những điểm cần lưu ý:
- Tuy rằng phương pháp 35 lá này được sinh ra để hỗ trợ cho phương pháp biến dịch. Nhưng với cấu trúc của nó, nó hoàn toàn có thể trở thành một trải bài riêng biệt, không cần phải dựa vào phương pháp biến dịch. Trải bài này không chỉ giúp trả lời cho câu hỏi chung mà còn có thể đi sâu và chi tiết. Phạm vi của nó mang tính phổ quát tương đương với phương pháp Celtic Cross. Có thể cho thấy tình trạng của vấn đề, môi trường xung quanh, trở ngại, thuận lợi đối với vấn đề đó. Nó lấp đi những khuyết điểm ban đầu của phương pháp biến dịch.
- Nếu trong phương pháp biến dịch, các hàng không được gán một ý nghĩa nhất định nào. Thì đối với trải bài 35 lá này, mỗi hàng lại có một ý nghĩa tương ứng.
- Xào và cắt bài trong phương pháp này giống với phương pháp biến dịch. Tức là người bói xào bài, người được bói cắt bài, bằng tay trái. Để tạo ra lá ngược thì đảo ngược một số lá bài trong khi cắt. Cần đảm bảo rằng số lá ngược phải ít hơn số lá xuôi. (Đọc thêm trong Phương pháp biến dịch).
- Nếu trong phương pháp biến dịch, các hàng được đọc từ phải qua trái, thì trong phương pháp này, ta đọc từ trái qua phải, bắt đầu từ hàng trên cùng.
- Trong quá trình bói bài cần có sự trao đổi với người được bói để làm sáng tỏ thêm vấn đề.
- Waite cho rằng, tất cả các phương pháp bói Tarot đều được áp dụng cho bài Tây. Các lá ẩn chính chỉ nhằm làm tăng độ chính xác và sáng tỏ thêm vấn đề.
C. KẾT LUẬN.
Phương pháp 35 lá của A.E.Waite tuy chỉ là một trải bài phụ hỗ trợ cho phương pháp biến dịch. Nhưng tính ứng dụng của nó rộng rãi và có phần đi sâu vào chi tiết hơn.
Đọc các chương còn lại của cuốn Hiệu Đính Các Trải Bài Cổ Điển của Long Phan & Philippe Ngo.
Long Phan, thành viên Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu Tarot ở tp.HCM.
Bài viết "Hiệu Đính Các Trải Bài Tarot Cổ Điển - Chương III: Hiệu Đính Phương Pháp Phản Biến Dịch (35 Lá) Của A.E.Waite" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.