Hiệu Đính Các Trải Bài Cổ Điển - Chương IV: Phương Pháp Móng Ngựa của S.L.Mathers

A. HIỆU ĐÍNH

Ngay sau đây tôi sẽ giới thiệu đến các bạn một vài phương pháp bói bài. Người bói có thể áp dụng bất cứ cách nào mà mình thích, hoặc có thể kết hợp các phương pháp lại với nhau.



Dù trong bất kì trải bài nào, thì điều quan trọng nhất chính là người bói cần phải xào bài thật cẩn thận. Có 2 vấn đề cần lưu ý: Thứ nhất: lật ngược một số lá bài trước khi xào và kênh (cắt) bài. Thứ hai, xào kĩ để thay đổi vị trí và thứ tự của các lá bài. Sau đó thì kênh bài. Khi xào và kênh bài, người hỏi nên suy nghĩ thật nghiêm túc về những vấn đề khiến bản thân lo lắng và mong muốn được giải đáp; nếu không những lá bài sẽ không thực sự linh nghiệm. Công đoạn xào và kênh bài nên được thực hiện ba lần liên tục. Người xào bài nên để úp các lá bài xuống. 

Trước hết, hãy xào và kênh bài thật kĩ, như đã hướng dẫn ở trên. Đăt lá đầu tiên lên bàn, ta đặt bên cho vị trí này là B, chia lá thứ hai ở bên cạnh, ta gọi là A (ta đã có 2 “cửa” bài A và B, dựa vào 2 cừa này, ta sẽ chia hết toàn bộ bộ bài.) Sau đó chia lá thứ 3 và 4 ở B, lá thứ 5 ở A; lá thứ 6 và 7 ở B, lá thứ 8 ở A; lá thứ 9 và 10 ở B, lá thứ 11 ở A. Cứ tiếp tục chia hai lá ở B và 1 lá ở A cho đến khi hết bộ bài. Ta sẽ có tụ A gồm 26 lá và tụ B gồm 52 lá.

Bây giờ hãy lấy 52 lá của tụ B lên. Chia lá trên cùng xuống một chỗ trống, ta gọi vị trí đó là cửa D, chia lá tiếp theo ở một vị trí khác gọi là C. (Ta có 2 cửa C và D). Tiếp tục chia lá thứ 3 và 4 ở D, lá thứ 5 ở C; lá thứ 6 và 7 ở D, lá thứ 8 ở C; cứ thế ta chia hết 52 lá. Lúc này ta có 3 tụ bài: Tụ A có 26 lá, tụ C có 17 lá và tụ D có 35 lá.

Ta lại lấy tụ D gồm 35 lá lên, chia lá đầu trên cùng xuống một chỗ trống khác gọi là F, lá tiếp theo ở E (để tạo nên 2 “cửa” E và F.) Ta tiếp tục chia lá thứ 3 và 4 ở F, lá thứ 5 ở E, cứ thế chia hết 35 lá.

Lúc này ta sẽ có tất cả 4 tụ: A có 26 lá, C có 17 lá, E có 11 lá và F có 24 lá. Đặt tụ F sang một bên, những lá bài này sẽ không dung để bói, các lá này được xem như không liên quan tới vấn đề được hỏi. Bây giờ chỉ còn A, C và E.

Trải 26 lá bài ở tụ A úp xuống theo chiều trải từ phải sang trái (lưu ý rằng không được thay đổi trật tự của các lá) để chúng trông giống như hình móng ngựa, lá trên cùng lúc này nằm thấp nhất phía tay phải, và lá thứ 26 nằm thấp nhất phía tay trái. Đọc ý nghĩa của các lá bài từ phải sang trái trước khi giải thích. Khi hoàn thành, ta sẽ có câu trả lời bằng cách liên kết các lá bài lại với nhau như sau: Lấy lá đầu tiên và lá thứ 26, kết hợp ý nghĩa của chúng lại, tiếp theo lấy lá thứ 2 và lá thứ 25, tiếp tục cho đến cặp cuối cùng là lá thứ 13 và 14. Giải nghĩa xong thì đặt A sang một bên, làm tương tự với tụ C và tụ E.

Đây là một phương pháp bói bài cổ xưa được tin rằng rất linh nghiệm.

B. BÌNH LUẬN

a. Nguồn gốc:

Phương pháp này được được tìm thấy trong cuốn The Tarot của S. L. MacGregor Mathers xuất bản năm 1888.

Samuel Liddel MacGregor Mathers, sinh năm 1854, mất 1918. Ông được biết đến như là một trong những người sáng lập ra hội Golden Dawn. Ông vừa là thầy, vừa là kẻ thù của Crowley, tác giả của bộ Thoth. 

Những tác phẩm của Mathers như Book T, The Tarot, Kabbalah Unveiled, The Key of Solomon… luôn có giá trị là chuẩn mực để người ta tham chiếu vào.

Nói như vậy để các bạn có thể thấy rằng, phương pháp trong cuốn sách The Tarot này là một trong những phương pháp cổ điển và có độ tin cậy cao đến mức nào.

Phương pháp rút bài hình móng ngựa (Horseshoe Spread) là một phương pháp cổ điển, phiên bản của nó thường có 6 hoặc 7 lá. Ở đây tác giả đã nâng số lá lên rất nhiều lần, nhưng phương pháp giải kết hợp từng cặp lại với nhau thì vẫn giữ nguyên.

Có vẻ như việc chia số lá bài thành 26, 17, 11 có cùng chung nguồn gốc với phương pháp Thoth của Etteilla.

b. Cơ sở lý luận: 

Tuy tác giả không giải thích nhiều về phương pháp này, nhưng ta có thể nhận thấy rằng, bộ bài cuối cùng sẽ được chia thành 4 tụ, 4 tụ này tương ứng với 4 chữ thần thánh mang tên của Chúa Y H V H, hay ứng với 4 nguyên tố Lửa, Nước, Khí, Đất. Trong đó, chỉ có 3 tụ được dùng để bói, 3 tụ này tương ứng với 3 chữ đầu tiên Y H V, hay ứng với 3 nguyên tố Lửa, Nước, Khí. Trong 4 âm tiết Yod, He, Vav, he thì chữ “he” thứ 2 chỉ là âm gió, trong 4 nguyên tố thì Đất là nguyên tố phụ được thêm vào sau cùng, bởi vậy nên Mather đã bỏ đi tụ cuối cùng trong 4 tụ, xem như trong đó không có chứa đáp án của câu hỏi.

Tụ A, 26 lá. 26 trong phép diễn giải số học thần thánh (Gematrica) nó được xem là số huyền nhiệm. Vì nó đúng bằng tổng giá trị của 4 chữ cái tạo thành tên chúa Yod = 10, He = 5, Vav = 6, he = 5. 

17 là một con số có ý nghĩa quan trọng trong cuốn Sáng Thế Ký.

11 là một con số huyền nhiệm, được hội Thelema của Crowley xem như là con số linh thiêng.

Mà ta thấy rằng 26 = 78/3. 17 ~ 52/3. 11 ~ 35/3. Vậy mấu chốt của phương pháp này là qua 3 lần chia 3 bộ bài ta sẽ lấy được ra những lá bài mình cần.

c. Ưu và nhược điểm của phương pháp này:

- Ưu điểm: Sử dụng được trong mọi câu hỏi, đặc biệt là những câu hỏi yêu cầu độ chi tiết cao thì càng hữu dụng. Phương pháp này bạn không cần phải nhớ vị trí, ý nghĩa của từng vị trí là gì, bạn chỉ cần biết cách chia bài, gần giống cách chia bài tú lơ khơ, vậy là xong. Giải bài bằng cách kết hợp các lá bài từng đôi một, khi đã làm quen với ý nghĩa của các lá bài rồi, bạn sẽ đọc nó một cách rất nhẹ nhàng và đơn giản.

- Nhược điểm: Quá nhiều lá bài cho một trải bài, nên nó không thích hợp đối với những vấn đề nhỏ, đơn giản. Vì nó sử dụng quá nhiều lá bài, nên để giải xong một case ắt hẳn sẽ ngốn của bạn không ít thời gian. Một vấn đề nổi cộm của phương pháp này là nó không có ý nghĩa của từng vị trí, thậm chí từng hàng của nó cũng không có ý nghĩa nhất định. Như vậy ý nghĩa của nó hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm cũng như kiến thức của người bói.

d. Những lưu ý trong phương pháp này:

Đây lá một phương pháp, theo như lời tác giả, cổ điển. Nhưng nó khác với các phương pháp cổ khác, nó không có lá bài đại diện (Significator, Inquirer…). 

Có 2 vấn đề được nêu ra ở đầu phương pháp này: 1 là đảo ngược một số lá lại để có lá ngược. Phương pháp tạo lá bài ngược này đã được A.E. Waite kế thừa trong cuốn sách Pictorial Key To The Tarot của mình. Vấn đề thứ 2 là xào bài thật kĩ. Trong khi xào và kênh bài phải tập trung suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề cần giải đáp. Đây là vấn đề muôn thuở, nó vừa mang tính thủ tục vừa mang tính tâm linh. Nếu bạn không thành tâm, các lá bài liệu có ứng nghiệm cho bạn?

Xào và cắt bài 3 lần liên tục. Cách xào bài này cũng được A.E. Waite áp dụng trong phương pháp Celtic Cross.

Không có ý nghĩa cho từng vị trí, từng cặp, thậm chí từng hàng của nó. Nhưng thông qua phép Gematrica ta có thể xác định được phần nào.

Số 26 được xem là con số thần thánh, tượng trưng cho Chúa. Vì vậy ta có thể gán cho tụ A 26 lá là những sự kiện được Chúa sắp đặt, mang tính định mệnh. Số 26 ứng Danh từ Yehovah (YHVH) được xuất hiện lần đầu tiên trong Sáng Thế Ký 2:4.

Với con số 17, nó xuất hiện lần đầu trong Sáng Thế Ký 1:4 với từ towb (TVB) mang ý nghĩa “điều tốt đẹp”. Như vậy ta có thể xem xét tụ 17 lá như là những điều thuận lợi, điều tốt đẹp sẽ đến trong vấn đề được hỏi.

Con số 11, ứng với từ “ed” (VAD) xuất hiện lần đầu ở Sáng Thế Ký 2:6 mang ý nghĩa những điều còn che giấu, chưa sáng tỏ, nó cũng mang ý nghĩa những điều muộn phiền. Từ đó ta có thể xem như tụ 11 lá nói về những trở ngại, những điều còn ẩn giấu phía sau vấn đề cần hỏi.

Phương pháp đọc bài bằng cách gom 2 lá lại với nhau theo từng cặp thoạt nghe có vẻ khó, nhưng nếu đọc kĩ phần giải nghĩa trong The Tarot, nó sẽ trở nên khá đơn giản.

Với tụ 17 và 11 lá, lá ở giữa sẽ là trung tâm sự kiện và nó đứng một mình, không bắt cặp với lá nào khác.

C. KẾT LUẬN:

Phương pháp trải bài móng ngựa của S.L. Mathers trong cuốn The Tarot là một phương pháp cổ hoàn toàn có cơ sở để tin cậy. Các bạn có thể áp dụng nguyên mẫu phương pháp này hoặc kết hợp với các phương pháp khác. Cách đọc bài bằng từng đôi một có thể được áp dụng trong nhiều trường hợp, ví dụ như trải bài freestyle 3 lá, 5 lá, 7 lá… Cụ thể nhất thì nó có thể được áp dụng vào phương pháp OOK sẽ được đề cập đến ở các phần sau.

Phương pháp này, với số lượng bài lớn, có thể giải quyết triệt để các vấn đề lớn nhỏ. Nhưng đôi khi lại khá mất thời gian. Vì thế hãy áp dụng tùy trường hợp. Đây là một phương pháp cổ rất đáng tin cậy.

Đọc các chương còn lại của cuốn Hiệu Đính Các Trải Bài Cổ Điển của Long Phan & Philippe Ngo.
Long Phan, thành viên Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu Tarot ở tp.HCM. 
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Hiệu Đính Các Trải Bài Cổ Điển - Chương IV: Phương Pháp Móng Ngựa của S.L.Mathers" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ