Đặc Trưng Hình Thức Của Biểu Tượng Thằng Hề (Chương III, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)



Ở phần trên, chúng tôi đã trình bày khái quát về lịch sử phát triển của hề. Hề ở mỗi quốc gia, mỗi loại hình nghệ thuật đều có những tính chất, đặc điểm khác biệt, thể hiện đặc trưng loại hình nghệ thuật cũng như đặc trưng văn hóa của từng quốc gia. Nhưng đã là vai hề thì phải có những đặc tính chung dưới đây.





Hình tượng nghệ thuật là người lạ mặt quen biết, là tổng hòa của cái chung và cái riêng, tập thể và cá thể. Khác với các ngành khoa học, loại bỏ các yếu tố cá thể để khái quát thành những định lý, định đề, nghệ thuật quan tâm cả đến những yếu tố cá thể, đi sâu vào khai thác cái riêng, vào ấn tượng chủ quan. Tạo hình và biểu hiện là đặc trưng của tư duy nghệ thuật. Tchaikovski nói: “Tôi không bao giờ sáng tác một cách trừu tượng, nghĩa là bao giờ tư tưởng âm nhạc cũng hiện ra trong tôi dưới một hình thức bề ngoài thích ứng với nó. Như vậy, tôi phát hiện ra tư tưởng âm nhạc cùng một lúc với sự phối khí.”[1]. Tạo hình là thao tác cụ thể hóa hình tượng trong trí tưởng tượng của người nghệ sĩ bằng cách tạo ra các thông tin về ngoại hình, về không gian, về thời gian.

Về ngoại hình, hề thường được tạo hình theo thủ pháp nghịch dị (grotesque). Nghịch dị là “một kiểu tổ chức hình tượng nghệ thuật (hình tượng, phong cách, thể loại) dựa vào huyễn tưởng, tiếng cười, sự phóng đại, lối kết hợp tương phản một cách kì quặc cái huyễn hoặc với cái thực, cái đẹp với cái xấu, cái bi với cái hài, cái giống thực với cái biếm họa […]. Nghệ thuật nghịch dị là một kiểu ước lệ đặc thù: nó công nhiên và chú ý trình bày một thế giới dị thường, trái tự nhiên”. Nghịch dị có thể hiểu theo ba tầng nghĩa. Thứ nhất, đó là sự phá vỡ những logic thông thường. Thứ hai, về mặt mỹ học, đó là sự phá vỡ những khuôn vàng thước ngọc của chủ nghĩa cổ điển. Thứ ba, về mặt sinh lý học, đó là sự thổi phồng, phóng đại những bộ phận nhạy cảm của cơ thể với ý nghĩa phồn thực. Ngoại hình nghịch dị khiến hề khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Vicki K Janik trong phần Dẫn nhập (Introduction) của cuốn Fool and Jesters in Liturature, Art and History, đã chỉ ra hai dạng trang phục của hề. Dạng thứ nhất, đó là dáng vẻ ngu ngốc, hậu đậu, có thể có mối quan hệ với gốc từ “clown” trong tiếng Anh (liên quan đến “clod”, “clot”, “lump” nghĩa là cục mịch, đần độn). Trang phục của tên hề loại này thường rộng thùng thình, rách rưới, tơi tả, thường mặc chiếc áo choàng dài cáu bẩn, với chiếc giày to quá cỡ, nhấn mạnh vào sự mất cân đối. Loại trang phục này thường thấy ở hề châu Âu dưới thời Trung cổ và Phục hưng. Loại trang phục thứ hai của hề được thiết kế theo kiểu harlequin (một loại hề trong thể loại sân khấu Commedia dell'arte của Ý), màu sắc sặc sỡ, trang phục bó sát hoặc vẽ trên cơ thể, được trang trí màu mè với những phụ kiện lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Huyền thoại sáng thế của người Jemez kể rằng những người chết đói được cứu bởi thần mặt trời, khi thần chọn ra một trong số họ, sơn lên người anh ta những sọc trắng của ngựa vằn, trang trí đầu anh ta bằng lông đại bàng và vỏ ngô, bổ nhiệm anh ta thành “người vui vẻ”, cứu những người bạn của anh ta khỏi cái đói bằng cách làm cho họ cười. Anh hề Korshare của tộc người da đỏ Acoma trình diễn xuyên suốt các nghi thức tôn giáo với cơ thể chỉ mặc duy nhất một chiếc khố, toàn thân sơn trắng, miệng và hốc mắt tô đen, với vỏ ngô ở tóc, gỗ hóa thạch ở thắt lưng và mai rùa ở trên hai đầu gối.



Trong quan hệ với không gian và thời gian, hề có tính chất bí ẩn và không xác định. Rất khó xác định tuổi của một tên hề. Người ta thường nghĩ hề là một đứa trẻ. Ví dụ tên hề của vua Lear, vua vẫn thường dùng từ “cậu bé” để gọi hắn. Merry Report trong vở Staging the Henrician court cũng được nhân vật Jupiter gọi là “cậu bé”. Hề Harpo Marx cũng vậy, hắn bắt chước cử chỉ của một đứa trẻ trong phim Animal Crackers (1920), với nụ cười vô hại khi một người phụ nữ nói với hắn: “Ta thích những đứa trẻ giống em. Em bao nhiêu tuổi?”, và hắn giơ năm ngón tay để trả lời. Một số nhân vật hề nhấn mạnh sự giống trẻ con của mình bằng giọng falsetto. Lucy Ricardo, Gracie Allen, Stan Laurel, Lou Costello, Ed Norton, Jerry Lewis thường nâng tông giọng lên, nhất là những khi họ cần thanh minh về hành động ngốc nghếch của mình. Một số hề rất khó xác định tuổi, ví dụ như Charlie Chaplin, Keaton, Croucho, bởi lớp phấn trang điểm đậm trên gương mặt những nhân vật hề này không thay đổi trong nhiều thập niên. Tính chất khó xác định tuổi của hề có thể có nguồn gốc từ những nhân vật hề trong xã hội cũ. Những anh hề này thường là những người vô gia cư và không có gia đình, kiếm sống bằng những trò hề ngốc nghếch. Ở La Mã cổ đại, những anh hề thường bám theo những gia đình giàu có để được mời ăn tối bằng cách hứa hẹn với gia chủ về những trò giải trí, đùa cợt hài hước. Khác với người ăn xin, hề trình diễn những điểm yếu (thật hoặc giả vờ) để lấy tiền và thực phẩm. Hề tồn tại bằng cách mua vui, cải trang, đóng giả, nên tuổi và danh tính của hề trong xã hội không được quan tâm. Hề không thực sự tồn tại ở một thế giới nào, mà hắn ta đứng ở lằn ranh giữa các thế giới. Các diễn viên Taishu Engeki của Nhật thường rời khỏi sân khấu và tiến về phía khán giả để tương tác với họ, ở đây đường biên sân khấu nghệ thuật và đường biên đời sống hòa nhập (bản thân Taishu Engeki là một nghệ thuật đại chúng và gần gũi, sân khấu của nghệ thuật này thấp và rất gần với khán giả), và tồn tại ở giữa đường biên ấy chính là anh hề. Anh hề trong các carnaval Trung cổ và Phục hưng châu Âu cũng ở lằn ranh giữa các thế giới. Thời gian carnaval tạo ra thế giới ở trạng thái hai thế giới song trùng, thế giới đời thực và thế giới hội hè giả trang hòa trộn, phá vỡ đường biên và lẫn vào nhau. Anh hề carnaval tồn tại ở đường biên giữa các thế giới. Anh ta sống như diễn, và bản thân sự trình diễn đối với anh ta chính là sự sống. Ngôn ngữ hề bị đảo lộn: tiếng khen và tiếng chửi hòa lẫn vào nhau, các hành động đánh đập vừa có tính chất nghi thức vừa có ý nghĩa hiện thực.

[1] Nguồn: 
http://websrv1.ctu.edu.vn/coursewares/supham/myhocdc/chuong5.htm 

Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Duy Trần, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Tp.HCM.
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Đặc Trưng Hình Thức Của Biểu Tượng Thằng Hề (Chương III, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ