“Behind me, the dark sun’s crown burns brightly, before me lies the song of victory. From the stars I come, to show you that anything is possible when you deny defeat. The power of will is absolute and the Chariot’s flight will come to all who trust their vision. Doubt not, and follow dreams with action from the heart. Power must be wielded, raging forces brought together in forward motion.
I am the sacred law of will and trust, I am the winged horse and the rider. I am the glorious sun and shaded moon. Within me two paths unite and forge a clear road to unity.
I am compelled to strive and always will succeed. I fly beyond limits, I traverse all boundaries. I am progress, I am the indestructible nature of the dual soul. Take my path if you would reach your goals…”
--- Emily Carding ---
The Chariot trong Rider Waite Tarot. Ảnh: Wikipedia |
Như đã đề cập đến trong các bài viết trước, bộ ẩn chính – major arcana bao gồm 22 lá, đại diện cho các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của mỗi cá nhân và cho cả xã hội loài người. Đặt The Fool đứng bên ngoài dòng chảy đó, 21 lá đánh số còn lại được chia thành ba phần, mỗi phần 7 lá – tượng trưng cho các mức độ trải nghiệm riêng biệt. Mức thứ nhất là sự ý thức – consciousness, những mối quan tâm bên ngoài và cuộc sống trong xã hội. Mức thứ hai là tiềm thức – subconscious, là sự tìm kiếm vào bên trong của cá nhân mỗi người. Và cuối cùng cũng là mức cao nhất, siêu thức – superconscious, sự phát triển của nhận thức tinh thần và sự giải phóng năng lượng nguyên mẫu.
Trên hành trình của The Fool, từ lá The Magician đến lá The Lovers, chàng khờ đã trải qua sáu bài học lớn nhằm xây dựng sự ý thức của bản thân. Khởi đầu, chàng hấp thụ tinh hoa của tính nam và tính nữ. Sau đó, chàng nhận được sự chăm sóc, yêu thương dịu dàng từ người mẹ hiền rồi chịu sự giáo huấn nghiêm khắc, đầy tính kỷ luật của người cha. Tiếp theo, chàng bước chân ra thế giới bên ngoài. Tại đây, chàng tiếp thu hệ thống giá trị, đạo lý cùng những quy tắc, chuẩn mực ngàn đời của xã hội. Cuối cùng, chàng khám phá thế giới của tình yêu – nơi không chỉ có niềm vui, sự hạnh phúc mà còn chứa đựng đầy rẫy những cám dỗ đầy quyến rũ, đưa chàng vào những tình huống tiến thoái lưỡng nan, buộc chàng phải lựa chọn một lần cho mãi mãi. Và giờ đây, khi đã thấm nhuần các tư tưởng của 6 lá chính đầu tiên, The Fool tiến bước vào thế giới thứ 7, thế giới của Người Đánh Xe – The Chariot.
Ở The Chariot, chàng khờ không còn là người đứng bên ngoài nữa, mà chàng trở thành nhân vật chính trong lá bài. Hay nói đúng hơn, không ai khác, The Fool chính là The Chariot, điều khiển cỗ xe thần thánh. Sự hóa thân này đã phần nào nói lên quan điểm, ý nghĩa của lá bài. Đấy là sự thành công, chiền thắng và vinh quang. Đồng thời, nó còn nói lên sức mạnh ý chí cùng khả năng kiểm soát vượt trội của con người khi đã đạt đến một tầm cao mới.
Trong nhiều phiên bản khác nhau, lá The Chariot được mô tả với nhiều biến thể riêng biệt. Mỗi tác giả tùy thuộc vào phong cách của bản thân cũng như ý tưởng của bộ bài sẽ thay đổi, thêm thắt vào nhiều chi tiết, đem lại hơi thở mới cho lá bài Người Đánh Xe. Song, trong bài viết này, tôi sẽ sử dụng bộ Rider Waite của Waite – Smith do đây là bộ bài thông dụng nhất và là nền tảng của nhiều bộ bài khác sau này.
Nổi bật lên chính giữa là Người Đánh Xe. Chàng đội trên đầu chiếc vương miệng bằng vàng, được trang bị áo giáp chắc chắn với hai cầu vai trăng lưỡi liềm và hai gương mặt với những trạng thái khác nhau. Trên tay chàng cầm một cây gậy phép. Chàng điều khiển chiếc xe bằng đá vững chãi, phía trên là bốn chiếc cột cùng rèm hoa màu xanh điểm xuyết ngôi sao sáu cánh lớn nhỏ. Trên thân xe, được trang trí bằng hình ảnh đôi cánh cùng biểu tượng đại diện cho tính nam và tính nữ. Hai bên là hai bánh xe lớn. Kéo cỗ xe này là hai con nhân sư. Trong The Chariot, do Pamela Smith phác họa, hai con nhân sư này có màu sắc đối nghịch nhau: trắng và đen. Cả hai đều đang nằm phục trước cỗ xe, gương mặt hướng về hai phương trời khác biệt. Đằng sau chàng, một dòng sông êm đềm chảy qua. Xa hơn nữa là thành trì rộng lớn, tấp nập. Tất cả hiện lên trong nền trời vàng rực rỡ.
The Chariot trong Morgan Greer Tarot. Ảnh: Internet |
Như đã nói ở trên, The Chariot ở nhiều bộ bài có cách thể hiện riêng. Nhưng điểm khác biệt đáng chú ý nhất khi so sánh giữa các phiên bản khác nhau đó là con vật kéo xe. Trong Rider Waite là hai con nhân sư, một số bộ khác lại là hai con ngựa cũng với hai màu riêng biệt. Về sự khác biệt này, tôi sẽ phân tích bên dưới, trong phần hệ thống biểu tượng.
Là lá thứ 8 trong bộ ẩn chính – major arcana, The Chariot được đánh số 7. Số 7 luôn là con số đặc biệt, mang nhiều nét bí ẩn, kỳ diệu được nhiều người quan tâm cả trong lĩnh vực khoa học, toán học lẫn huyền học. Có nhiều điểm đáng chú ý ở số 7 như: 7 kim loại giả thuật kim, 7 hành tinh có thể nhìn thấy bằng mắt thường, 7 ngày trong tuần, 7 chakras chính…
Trong tác phẩm “A Dictionary of Symbols” của J.E. Cirlot, số 7 “tượng trưng cho trật tự hoàn hảo, một thời kì trọn vẹn hoặc còn gọi là chu kì”. Điều này tương tự như sự sắp xếp mang tính quy luật, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh cùng sự nối tiếp của chúng theo thời gian. Tương tự trong Tarot, 21 lá ẩn chính được chia thành 3 phần, mỗi phần 7 lá, chúng xây dựng nên quá trình phát triển của mỗi cá nhân và lá thứ 7 của mỗi phần luôn thể hiện sự toàn vẹn, thành công ở mức độ trải nghiệm đó.
Ngoài ra, số 7 “gồm sự hợp nhất của bộ 3 và bộ 4 và do đó, được phú cho giá trị ngoại hạng”. Trong đó, bộ 3 đại diện cho trật tự trí tuệ hoặc tâm linh còn bộ 4 đại diện cho trật tự trần gian. Như vậy, sự kết hợp giữa bộ 3 và bộ 4 trong số 7 thể hiện ý nghĩa vượt trội của nó trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Nó tương ứng với 7 hướng của không gian, bao gồm: trái, phải, trước, sau, lên, xuống cộng thêm vị trí trung tâm. Đồng thời, số 7 còn đại diện cho ngôi sao 7 cánh. Đấy là sự hợp nhất giữa hình vuông và hình tam giác, hình sau được đặt lên trên hình trước – như bầu trời cách trên trái đất.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, số 7 còn nói về 7 mối tội đầu của con người và những đức tính tương phản. “Nó cũng tương ứng với thập tự 3 chiều kích và sau hết, nó là biểu tượng của đau khổ”.
Trong cây sự sống – Tree of Life, số 7 tượng trưng cho Netzach – Chiến thắng, được chiếu bởi Venus – hành tinh của tình yêu, sắc đẹp và sự hấp dẫn. Nó giúp chúng ta trân trọng cái đẹp, thú vui trong cuộc sống. Nó là hiện thân của sự vui thích và niềm đam mê, nó dẫn dắt chúng ta tương tác với những điều khác trong cuộc sống.
The Chariot trong Tarot of The Renaissance. Ảnh: Internet |
Không may, những lá số 7 trong Tarot lại trở nên yếu đuối và không cân bằng, bởi vì chúng ta thường chìm đắm cầu xin ánh hào quang của thần Venus, tạo nên những cảm xúc không thực tế, ảo ảnh. Để có thể thấy rõ điều này, chúng ta có thể liên hệ với bộ ẩn phụ - minor arcana. 7 of Cups tượng trưng cho sự mê hoặc, những lựa chọn và hơn hết đó là thành công ảo tưởng. 7 of Wands là cuộc tranh đấu giành lấy vị trí, địa vị, chỗ đứng trong xã hội. 7 of Swords chính là sự lừa đảo, gian manh, dối trá. Và cuối cùng, 7 of Pentacles lại là hiện thân cho một kết quả không trọn vẹn, ngày gặt hái thành quả vẫn chưa đến.
Xét về hệ thống biểu tượng, chúng ta cần chú ý phân tích The Chariot – tư thế của chàng và cỗ xe chàng điều khiển, hai con nhân sư kéo xe bên dưới, dòng sông và thành trì mà The Chariot đã bỏ lại phía sau lưng.
Hình ảnh The Chariot bắt nguồn từ truyền thống có từ xa xưa của Hy Lạp – La Mã cổ đại. Đấy là đám rước những người anh hùng chinh chiến thắng trận trở về ở thành Rome và những nơi khác. Tại đó, cỗ xe ngựa sẽ chở người anh hùng qua những con phố chật đầy dân chúng hò reo chào đón. Do phong tục này chỉ được thực hiện những khi thắng trận nên The Chariot gắn liền với ý nghĩa “chiến thắng, vinh quang”.
Trong lá bài, The Chariot được vẽ với tư thế nhìn thẳng, trực diện cùng gương mặt cương nghị nhưng không quá căng thẳng, thể hiện ý chí của chàng khi tiến bước trên hành trình phía trước, bất chấp mọi gian nan, khó khăn, thử thách sắp tới. Giống như The Magician, chàng cầm trên tay cây gậy phép. Nhưng ở đây, chàng không giơ nó lên cao. Như vậy, The Chariot hoàn toàn làm chủ sức mạnh ý chí của bản thân, buộc nó tuân phục bản thân mình. Hai tay chàng cũng không cầm sợ dây cương nào. Thế nhưng, ở chàng vẫn bộc lộ rõ sự tự tin, rõ ràng chàng hoàn toàn có thể điều khiển và đặt cỗ xe nặng nề dưới sự kiểm soát của bản thân mình.
Trang phục của The Chariot được tô điểm với nhiều dấu hiệu phép thuật. Váy của chàng mang những biểu tượng trong các nghi lễ cổ xưa, thắt lưng thể hiện cho các dấu hiệu và các hành tinh. Hai khuôn mặt hình mặt trăng ở hai bên cầu vai chàng được đặt tên là Urin và Thummim, hai cầu vai đó được cho là của những tư tế ở vùng Jerusalem, do vậy nó gợi lên hình ảnh của The Hierophant – vị tu sĩ đã truyền giáo về hệ thống giá trị, đạo lý và các chuẩn mực xã hội trong lá bài số 5.
Chàng đứng trên xe, chính giữa bốn cây cột – tượng trưng cho sự ổn định, vững chắc. Bốn cây cột đó còn đại diện cho bốn phương: đông, tây, nam, bắc. Khi điều khiển chiếc xe, The Chariot trở thành trung tâm của tất cả các phương hướng, tương tự như chàng là nơi thu hút mọi ánh nhìn trong các buổi diễu hành xe ngựa.
Xung quanh, phía trên chàng, là bức màng màu xanh điểm xuyết những ngôi sao sáu cánh. Ngôi sao sáu cánh chính là biểu tượng đại diện cho vua David và vua Solomon của người Do Thái. Đồng thời, bức màn rũ còn là hình ảnh gợi nhớ đến The High Priestess. Nó tồn tại ở đây, ý nói đến những điều bí ẩn, tiềm thức chưa được giải đáp. Như vậy, The Chariot mới chỉ là thành công của ý thức, của những điều bên ngoài. Phía trước chàng vẫn tồn tại rất nhiều bài học trong cuộc sống.
The Chariot trong Jolanda Tarot. Ảnh: Internet. |
Được khắc họa trên cỗ xe của chàng là biểu tượng trông giống một cái đai ốc và bu – lông, hay một bánh xe và trục xe. Chúng được gọi là “lingam” và “yoni”. Trong thần thoại Ấn Độ, nó tượng trưng cho Shiva, nguyên tố nam tính, và Parvati, nguyên tố nữ tính. Trong lá bài, cả hai được mô tả trong trạng thái thống nhất với nhau và được đặt phía dưới The Chariot, thể hiện chàng hoàn toàn làm chủ cảm xúc cá nhân, những khát khao và dục vọng của riêng mình. Chàng đã thấm nhuần tư tưởng từ lá bài trước đó – The Lovers. Chàng đã hành động và vạch ra hướng đi cụ thể. Chàng không vứt bỏ dòng xoáy của tình yêu nhưng cũng không để cho nó chiếm hữu lý trí của mình. Mà thay vào đó, chàng buộc nó phải tuân thủ, phục vụ cho ý chí, nguyện vọng riêng của bản thân.
Trong một vài phiên bản, lá The Chariot được mô tả giống với hình dung của triết gia Plato trong tác phẩm Phaedrus. Trong đó, Plato cho rằng The Chariot là phép ẩn dụ cho linh hồn. Chàng điều khiển chiếc xe được kéo bởi một con ngựa trắng và một con ngựa đen. Con ngựa trắng, xinh đẹp, giống tốt, khai hóa cho những điều tốt đẹp. Con ngựa đen, giống xấu, bất kham, khó kiểm soát, tượng trưng cho những điều tồi tệ. Và người đánh xe phải cân bằng nguồn năng lượng của chúng cả bên ngoài và bên trong chàng ta để có thể điều khiển cỗ xe đến thế giới của các vị thần. Nếu như chàng để mất kiểm soát thì mọi thứ sẽ sụp đổ, quay trở lại với mặt đất ban đầu.
Ngoài ra, việc đưa con ngựa – một biểu tượng của thể chất và sức sống, nó liên kết với sức mạnh của các nguyên tố và bản năng – vào lá The Chariot đã nhấn mạnh thêm ý nghĩa của lá bài về tốc độ trong suy nghĩ và hành động của con người. Mặt khác, nó còn biểu thị cho quá trình chuyển động và “đạt đến đích” của The Chariot.
Bức tranh "Oedipus and the Sphinx" của Francois-Xavier Fabre |
Trong bộ Rider Waite của Waite – Smith, kéo cỗ xe này là hai con nhân sư. Xuất hiện đầu tiên, trong thần thoại Ai Cập cổ đại, nhân sư là sinh vật huyền bí được tạo nên từ sự hòa trộn giữa sư tử và con người. Chúng thường được đặt trước các đền thờ và kim tự tháp. Sau đó, do quá trình giao lưu văn hóa, nhân sư dần du nhập vào các nền văn minh khác nhau. Trong thần thoại Hy Lạp, ta bắt gặp hình ảnh con nhân sư duy nhất. Theo Hesiod, nhân sư là con của Echidna và Orthrus, một số ý kiến khác thì cho rằng nó là con của Echidna và Typhon. Truyền thuyết về sau kể lại rằng, Hera hay Ares đã gửi nhân sư từ quê hương Ethiopia tới Thebes tại Hy Lạp – nơi nó sẽ hỏi tất cả mọi người đi qua câu đố nổi tiếng nhất trong lịch sử: “Sinh vật nào mà buổi sáng đi bằng bốn chân, buổi trưa đi hai chân và buổi chiều đi ba chân?”. Một số phiên bản khác, lại cho rằng, câu đố của nhân sư mang nội dung như sau: “Có hai chị em: một người sinh ra người kia và người kia sinh ra người này”. Những người không trả lời được sẽ bị nhân sư bóp cổ, xé xác và ăn thịt. Ở câu hỏi thứ nhất, đáp án chính là con người – bò bằng hai tay hai chân khi là trẻ con, sau đó đi trên hai chân khi trưởng thành và chống gậy khi đã già đi. Ở câu hỏi thứ hai, đáp án là chính là ngày và đêm – cả hai đều là giống cái trong tiếng Hy Lạp. Như vậy, ngụ ý ở đây vô cùng rõ ràng: những kẻ không tự nhận biết được bản thân, những điểm mạnh và điểm yếu của chính mình cùng môi trường xung quanh thì không thể tồn tại, tự thân cuộc sống sẽ tiêu diệt hắn ta.
Song, thần thoại không chỉ dừng lại ở đó, câu chuyện chưa kết thúc khi chưa có người trả lời câu đố của con nhân sư quái ác ấy. Trớ trêu thay, người đáp đúng lại chính là Oedipus – kẻ đã vô tình giết cha mình và cưới mẹ mình làm vợ. Oedipus là hình ảnh của một người anh hùng thành công. Chàng cứu mọi người thoát khỏi mối họa của nhân sư cũng như lập được nhiều chiến công hiển hách. Chàng am tường cuộc sống, chàng biết con người là ai. Nhưng, chàng lại không biết về chính bản thân mình. Nó đẩy chàng vào tấn bi kịch loạn luân mà đến cuối cùng chàng phải tự lấy cây trâm chọc mù đôi mắt, bỏ đi và chết trong sự đau khổ. Như vậy, ở đây, truyền thuyết này thể hiện một ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là, dù con người có nhận thức được cuộc sống bên ngoài đến đâu đi chăng nữa mà không biết bản thân mình là ai, mình liên hệ gì với thế giới và sẽ đóng vai trò gì trong cộng đồng thì kẻ ấy sẽ mãi mãi không bao giờ làm chủ số phận của bản thân mình, sớm muộn gì hắn cũng lao mình vào thực tại nghiệt ngã. Do đó, dù đã thành công, thấu hiểu, lãnh hội được toàn bộ tinh hoa ở mức độ trải nghiệm của ý thức, con người trong xã hội hay chàng khờ trong Tarot vẫn phải tiếp tục dấn thân vào dòng thứ hai và dòng thứ ba của bộ ẩn chính. Ở dòng thứ hai, chàng khờ sẽ vượt qua ngoài cái tôi để tìm thấy bản chất thật sự. Và ở dòng thứ ba, công khai giải quyết những thế lực nguyên bản của sự tồn tại và cuối cùng chạm đến sự hòa nhập hoàn toàn của những mặt lưỡng lập.
Oedipus trên một đĩa sứ Hi-La. Ảnh: Internet. |
Sau khi bị giải đố, nhân sư đã tự lao mình xuống thềm đá và chết hoặc như một phiên bản khác là nó tự ăn thịt chính mình. Trong Tarot, lá The Chariot vẫn mô tả hai con nhân sư này ở trạng thái ban đầu. Điều này chứng tỏ là câu đố vẫn chưa được giải đáp. Nó nhấn mạnh rằng ở The Chariot vẫn còn tồn tại, ẩn chứa nhiều bí mật sâu xa. Mà trong hành trình sắp tới của mình, Người Đánh Xe phải tự thân tìm kiếm lời giải đáp thích hợp.
Dù là nhân sư hay ngựa thì hai con vật kéo xe được bố trí ở bên dưới, hai bên của The Chariot một lần nữa nhắc chúng ta nhớ đến mô – típ ba bên, thể hiện nỗ lực trung hòa ý chí, sức mạnh của các bên. Ở đây, hai con vật được vẽ nhìn về hai hướng trái ngược nhau, lại mang màu sắc đối lập. Nó làm tăng thêm sự khó khăn vạn phần cho người điều khiển chiếc xe này, đòi hỏi chàng ta phải có sức mạnh ý chí và khả năng kiểm soát phi thường mới có thể đưa mình cùng cỗ xe đến vạch đích cuối cùng.
Phía sau The Chariot là một dòng sông cùng thành trì vững chãi. Như đã đề cập đến ở các bài trước: trong bộ ẩn chính – major arcana tồn tại bốn dòng sông tương tự như bốn dòng sông tại vườn địa đàng Eden. Chúng chảy trôi qua các lá The Empress, The Emperor, The Chariot và Death với hình thái và lưu lượng nước khác nhau. Sông nước tượng trưng cho tình cảm, cảm xúc. Trong The Chariot, ta thấy dòng sông chảy qua với lưu lượng nước khá nhiều thể hiện tình cảm dồi dào. Điều này liên hệ với cung chính của lá bài – Cự Giải, sẽ được đề cập đến bên dưới. Mặt khác, dòng sông chảy qua rất yên ả, có trật tự, thẳng tắp chứ không uốn éo hay đổ thác nước. Nó nói lên rằng The Chariot hoàn toàn làm chủ được cảm xúc của bản thân mình. Về thành trì – nó đại diện cho cuộc sống bên ngoài, The Chariot đang quay mặt lại với nó, chứng tỏ sau khi đã lĩnh hội được ý thức, chàng nhận ra tầm quan trọng của tiềm thức và siêu thức, do đó, đang trên hành trình đến với những chân trời mới, những bài học mới.
The Chariot là tượng trưng cho chiến thắng, vinh quang. Đơn giản nhất, nó đại diện cho sự hoàn thành con đường nhận thức về thế giới bên ngoài. Do đó, ở The Chariot, tồn tại tất cả biểu tượng của các lá bài trước đó. Gậy phép đại diện cho The Magician; nước, nhân sư và tấm màn thể hiện cho The High Priestess; hình vuông và đất xanh biểu thị cho The Empress; thành trì là lãnh địa của The Emperor; cầu vai là The Hierophant; và cuối cùng, lingam và yoni lại là hiện thân cho The Lovers.
Xét về chiêm tinh học, The Chariot được gắn với cung Cự Giải. Cung Cự Giải chịu sự chi phối của mặt trăng – một vệ tinh của trái đất, lúc thịnh lúc suy, nó kiểm soát tình cảm và khả năng trực giác. Người thuộc cung Cự Giải là người trung thành, dễ tiếp thu, nhạy cảm, giàu tưởng tượng, cảm thông, tử tế, tình cảm và có một tâm hồn linh hoạt, trực giác tốt. Cung Cự Giải tiêu biểu cho gia đình và đời sống gia đình. Người thuộc cung này thường tìm kiếm mối quan hệ riêng tư, họ hạnh phúc khi được chung sống với những người mà họ yêu thương. Song, bên trong, họ thường cảm thấy bất an và không thỏa đáng, họ thường hình dung ra những điều tồi tệ nhất. Đồng thời, một người thuộc cung Cự Giải sẽ không bao giờ cảm thấy thấy rằng mình đã có đủ tình yêu và sự tán thành từ mọi người; do đó, họ luôn đòi hỏi nhiều hơn nữa.
Khi kết hợp với hệ thống chữ Hebrew, The Chariot biểu thị cho mẫu tự “cheth”, có nghĩa là hàng rào, một chiếc hàng rào có thể tạo dựng lên những giới hạn song không bao giờ có thể giam cầm được linh hồn của con người.
Nói tóm lại, The Chariot là lá bài đại diện cho chiến thắng, vinh quang, thành công, sự thấu hiểu tận tường thế giới quan bên ngoài. Đồng thời, nó còn thể hiện cho sức mạnh ý chí, sự kiên dịnh và khả năng kiểm soát cao độ. Ngoài ra, nó còn ẩn chứa nhiều câu hỏi lớn chưa được giải đáp, đòi hỏi phải trải nghiệm qua nhiều thử thách, khó khăn trong cuộc sống, tiếp nhận bài học từ hai dòng ẩn chính còn lại mới có thể hoàn thiện bản thân mình. Bên cạnh đó, ở nghĩa ngược, nó nói lên sự thiếu kiểm soát, mất định hướng hoặc gây hấn.
Xem toàn bộ bài viết trong cuốn Mật Mã Bài Tarot.
Xem toàn bộ bài viết trong cuốn Mật Mã Bài Tarot.
Tài liệu tham khảo:
· Những bí ẩn triết lý và Đạo học của các con số, www.tarothuyenbi.info, Nguyễn Tiến Văn dịch và giới thiệu
· Tarot chú giải – Phùng Lâm – Thư viện Tarot Huyền Bí
· Sơ lược về 10 con số trong Minors – Bé Béo, Niran Gokuraku – www.tarothuyenbi.info
· Seventy Eight Degrees of Wisdom (Rachel Pollack) – 78 Độ Minh Triết (Bản dịch của Pansy 88)
· Understanding Aleister Crowley’s Thoth Tarot (Lon Milo DuQuette)
· Tarot Constellations (Mary K. Greer)
· Wizards Tarot Handbook (Corrine Kenner)
· Tarot and Astrology (Corrine Kenner)
· Tarot of the Sidhe Companion (Emily Carding)
· The Mary – El Tarot Companion (Marie White)
· Western Mysteries (David Allen Hulse) – Bí Mật Phương Tây (NXB Văn hóa Thông tin)
· Quy luật vũ trụ (Joanna Martine Woolfolk) – NXB Đồng Nai
· Website: www.tarotteaching.com
Thảo Nguyễn, thành viên Tarot Huyền Bí. Bài viết mang quan điểm của tác giả. Viết dưới sự hướng dẫn của Phùng Lâm và Phillippe Ngo.
Bài viết "Mật Mã Bài Tarot : Lá The Chariot - Lá Kỵ Xa (P8)" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.