Tiểu Dẫn: Bài viết được trích lượt từ Luận Án của cộng tác viên Hoàng Hiền, trong chương mục về lịch sử và ý nghĩa của sự hình thành Tarot trong văn hóa châu Âu. Bài viết là cái nhìn bao quát về ý nghĩa lịch sử của Tarot trải qua các thời kỳ khác nhau.
Trước hết, ta có thể khẳng định, bộ bài Tarot là một trò chơi thuộc loại cổ xưa nhất. Trong bài Tarot, các hình ảnh vận dụng cả một thế giới biểu tượng. Không thể nghi ngờ, việc dạy chơi bài này có tính bí truyền, được lưu truyền một cách ít nhiều bí mật qua các thế kỉ. Lúc đầu, bài Tarot được biết như một trò chơi thông thường và đặc biệt phổ biến trong giới quý tộc Italia vào thế kỉ XIV, nhưng sau đó, chính những biểu tượng huyền bí của nó đã tạo nên phong trào bói bài rầm rộ từ thế kỉ XVIII trở đi. Từ đó đến nay, bài Tarot chủ yếu chỉ được xem xét trên góc cạnh bói toán. Đã từng có thời kì bộ bài này bị nghiêm cấm phát hành bởi việc tiên đoán chính xác tương lai tới mức quá nguy hiểm.
Hệ thống biểu tượng trong bài Tarot là sự giao hòa, tổng hợp của nhiều nền văn minh mà đặc trưng nhất trong đó là sức ảnh hưởng của văn hóa Kabbale (Kabala) , Ai Cập, Do Thái, Ấn Độ, Hội Tam Điểm, Kinh Koran, Kinh Thánh, Italia, Pháp, Gypsy , Hebrew ... với các khái niệm như Cuộc du ngoạn của Chàng Khờ, Biểu đồ Kabbale, Sơ đồ khối không gian tinh thần… Bản thân tôi cũng không thể nào nắm hết được những kiến thức đó, chỉ có thể sử dụng sự góp nhặt cá nhân để phần nào làm rõ những ảnh hưởng của các văn hóa đó trong biểu tượng trên các lá bài Tarot thể hiện.
Cho đến nay nguồn gốc của bài Tarot vẫn là một bí ẩn mà chưa một giả thuyết nào đưa ra hợp lý, việc phân định là vô cùng phức tạp. Ta chỉ có thể chắc chắn rằng, bài Tarot lần đầu xuất hiện tại châu Âu vào thế kỉ XIV; những nơi được cho là quê hương của bài Tarot là ở Ai Cập, Ả Rập, Ấn Độ và Italia. Khó có thể xác nhận được đâu là nơi thực sự bắt nguồn cho bộ bài này, nhưng ta có thể khẳng định, bài Tarot hội tụ đủ những yếu tố văn hóa lớn của châu Âu nói riêng và nhân loại nói chung. Hơn thế, việc sử dụng những hình ảnh in trên những miếng bìa mà sau đó chúng được gọi là lá bài (cards) trong các trò chơi, việc bói toán không phải đến bài Tarot mới có mà trước đây nhiều dân tộc cũng đã có những bộ bài của riêng mình như bộ bài Mameluok (Ả rập), Ambras (hiện đang trưng bày ở lâu đài Ambras – Áo), Trionfi (Italia)….
Một lần nữa, ta có thể thấy rất rõ sau khi đã phân tích các chi tiết trên lá bài, chúng đều là sự tổng hợp một cách có hệ thống các biểu tượng văn hóa lớn, đặc biệt là những nền văn minh lớn của châu Âu. Các hình ảnh đều mang tính logic, có mối quan hệ sâu sắc, rõ ràng và đều thể hiện sự biện chứng trong những lý giải.
Nếu như coi quãng đường của 22 lá bài là quá trình khai tâm thụ pháp thì 11 lá bài đầu tiên chính là quãng đường đầu tiên: Con đường này đề cao nguyên tắc tính chủ động cá nhân, dựa và lý trí và ý chí. Nó là con đường thích hợp với kiểu Hiền nhân luôn luôn tự chủ hoàn toàn và chỉ trông cậy vào các nguồn lực của bản ngã, không chờ đợi bất cứ sự trợ giúp nào bên ngoài.
Con đường mà 11 lá bài đầu tiên đưa ra chính là sự tiếp nhận bên ngoài bằng ngoại lực chủ động, bằng sự trần thể năng nổ hướng tới tri thức ngược lại với con đường tiếp theo, đó là con đường tiếp nhận sự khai tâm thông qua thần hiệp và thụ động. Việc phân tích chúng sẽ thể hiện những điều đã nói về ý nghĩa của nhóm bài này. Ngoài ra, còn với lá bài Le Mat, đây là một lá bài rất đặc biệt mà vị trí của nó có thể thay đổi tùy theo cách sử dụng. Nó có thể là sự khởi đầu nhưng cũng có thể mang ý nghĩa kết thúc. Chính sự đặc biệt đó đã khiến tôi đặt lá bài này trong số những lá bài cần phân tích của mình.
Tính từ lá bài thứ Ảo thuật gia (I) cho đến lá bài Sức mạnh (XI), ta có thể thấy được những ý nghĩa của những lá bài đều là sự chủ động tìm kiểm kiến thức của con người; vẫn chưa có một thế lực siêu nhiên nào tác động đến quá trình học tập và tiếp thu chân lý đó. Trên con đường này, những khó khăn trong việc lựa chọn tốt – xấu, đấu tranh thiện – ác đều thường xuyên xảy ra, buộc con người ta phải nhận được những lời nhắc nhở, lời chỉ dạy, động lực phát triển và sự chủ động nỗ lực vượt qua. Có như vậy, con đường tiếp theo mới mở ra với những giá trị thiên về sự thân hiệp, thu nhận thụ động, nhìn sâu vào bên trong cái tôi của bản thân sau khi đã thỏa mãn việc nhìn ngắm thế giới bên ngoài, đạt đến cái hiểu biết toàn diện nhất.
Riêng lá bài Chàng Khờ, như đã nói, đó là một lá bài đặc biệt. Nó có thể là người khởi đầu công cuộc tìm kiếm chân lý nhưng cũng có thể là kết quả của quá trình, khi mà con người nhận ra “những gì mình biết chỉ là giọt nước – những điều chưa biết là cả một đại dương” (Issac Newton) và lại tiếp tục nỗ lực bước tiếp trên con đường thu nhận tri thức của thế giới một cách khiêm nhường, tạo nên một chu kì mới phát triển hơn tựa như những vòng xoáy ốc đi lên, điều này phần nào giống với tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực.
Như vậy, chúng ta có thể thấy, bộ bài này thực sự có một lịch sử lâu đời và sự kết cấu rất chặt chẽ. Hệ thống ý nghĩa biểu tượng từ những con số, hình ảnh, cũng như màu sắc sử dụng đều mang đến những ẩn dụ. Sử dụng phong cách Latin là chủ đạo, tiến hóa dần theo ảnh hưởng của các nền văn hóa khác, bài Tarot tạo nên sự đa dạng trong từng thẻ bài. Văn hóa Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo rất đậm nét trong bài Tarot ngoài ra cũng có những nét văn hóa của Hy Lạp – La Mã, của Pháp, của Italia… Chính vì lẽ đó mà những ý nghĩa biểu tượng nằm trong từng hình ảnh đều sâu sắc, tưởng chừng như một cuốn sách không có chữ nhưng lại hàm chứa tri thức của cả thế giới.
Ghi Chú:
Thụ pháp: nghĩa gốc là từ teleutai nghĩa là “làm chết” tuy nhiên, ta hiểu theo nghĩa bóng tức là bước vào một thế giới khác, làm biến đổi con người cũ sau khi được tiếp nhận sự thiêng liêng. Cái chết theo nghĩa ở đây là sự biến hóa trong quá trình tái sinh bởi lẽ người ta cho rằng sau cái chết, con người ta sẽ đạt được những tri thức thông tuệ. Trong Ki tô giáo, đó có thể là sự khổ hạnh liên tiếp thông qua thử thách.
Gypsy: là cách gọi phổ biến theo hệ Anh ngữ của tộc người Di-gan. Tộc người này có khoảng 15 triệu dân và sống du mục. Họ sinh sống dựa vào bói toán, ma thuật, làm xiếc, nhảy múa… Kiến thức của họ về huyền học và thần học là rất lớn.
Hebrew: Thường được dùng để ám chỉ văn hóa của người Do Thái cổ, đặc biệt là hệ thống bảng chữ cái của họ - một trong những bảng chữ cái cổ nhất hiện nay và còn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng tôn giáo.
Kabbale hay Kabala (Kabbalah): Theo tiếng Do Thái nghĩa là “truyền thuyết”. Là học thuyết thần bí và bí truyền của đạo Do Thái. Coi những con số và bảng chữ cái của người Do Thái là do Chúa Trời tạo dựng và là biểu hiện của chính Chúa Trời. Những kí hiệu đó được sử dụng nhiều trong bói toán và ma thuật.
Bài viết "Từ The Fool đến The Strengh - Con đường Thụ Pháp" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.