Tiểu dẫn: Trong hệ thống Tarot de Marseille, bộ Tarot de Nicolas Conver đóng vai trò rất quan trọng vì nó là bộ duy nhất được kế thừa bởi các nhà phát hành sau này. Có thể kể ra: phiên bản Paul Marteau 1930, Camoin Jodoromsky 1997, Tarot de Milleminium 2000, Tarot de Frornoy... Đặc biệt là phiên bản chuẩn 1930 với tên Ancien Tarot de Marseille. Đa số các bộ khác đều được phân tích chủ yếu trong các chuyên khảo, thì bộ này chủ yếu được phân tích ở sách cơ bản và thông dụng. Vì vậy, việc phân tích nó cũng là một điểm đáng chú ý. Loạt bài này có mục đích giới thiệu một cách nhìn tương đối tổng quát về các lá bài của phiên bản này.
Ghi chú: Các bài viết sau đây là kết quả từ sự cộng tác giữa Hoàng Hiền (viết chính) và tác giả blog. Bài viết chủ yếu mang quan điểm của Hoàng Hiền. Gửi lời cảm ơn đến cộng tác viên Hoàng Hiền vì đã đóng góp cho cộng đồng Tarot Việt Nam những bài viết bổ ích.
Phần 10: L'HERMITE
(The Hermit)
Vị Hiền triết già nua chính là quân bài mang con số chín – con số của sự cực dương, số cuối cùng trong loạt những số có một chữ số, đứng trước số Mười. Chính vì không toàn vẹn nhưng lại gần với con số của sự toàn mỹ, con số Chín là biểu hiện cho những điều đẹp nhất. Từ Đông sang Tây trong tất cả các huyền thoại, số Chín đều chung một ý nghĩa tốt lành. Theo Rene Allendy, số chín có vẻ là số của phép phân tích toàn bộ. Nó là biểu tượng của cái vô số trở về với cái đơn nhất, là sự liên kết của cả vũ trụ. Có lẽ chính vì những ý nghĩa đó, mà con người của nhà Hiền triết đại diện cho con số Chín ở đây lại càng thêm phần khẳng định trí tuệ thông hiểu và sự thanh khiết của con người mang trong mình đức hạnh khả ái.
Nhà Hiền triết mặc tấm áo choàng xanh, lớp lót bên trong màu vàng phủ lên chiếc áo dài đỏ, lưng ông hơi còng và chống cây gậy, tay cầm ngọn đèn sáu mặt nhưng chỉ nhìn rõ được ba mặt trong đó ai mặt vàng và một mặt đỏ. Gương mặt tự như đang tìm kiếm điều gì đó trong thinh không mênh mông.
Nhà Hiền triết xuất hiện sau Nữ thần Công lý, ông chính là cái được đề xuất, hướng dẫn con người ta đi tìm con đường chân lý đúng đắn sau khi đã được nhắc nhở, cảnh báo về việc không được lạm dụng quyền hành, tuyệt đối chớ đảo lộn trật tự thế giới. Ông là người có cách ăn mặc giống với những lá bài như Nữ tư tế (II), Nữ hoàng (III), hay Công lý (VIII); mặc dù những lá bài có hình đại diện trên đều là nữ giới. Có thể nói là bài Hiền triết là lá bài có biểu tượng nam duy nhất mặc theo kiểu màu áo choàng xanh phủ lên màu đỏ, bởi lẽ che giấu đi sự hiểu biết và sức mạnh bằng tinh thần thuần khiết và sự tĩnh lặng thường thuộc về nữ giới hơn là nam. Thế nhưng Hiền triết là con người già nua, ông ta hiểu hết ý nghĩa của cuộc đời này. Tuy nhiên, điểm đáng nhấn mạnh trong hình ảnh của nhà Hiền triết là biểu tượng của chiếc gậy chống và cây đèn sáu mặt.
Từ lá Chàng Khờ cho đến giờ, ta mới gặp lại hình ảnh của cây gậy chống này. Có điều nếu cây gậy của Chàng Khờ màu vàng, màu của sự đất đai, màu của chân lý siêu nghiệm thì cây gậy của Nhà Hiền triết mang màu hồng da –màu của con người, của sự sống, tri thức của ông gắn liền với đời sống trần tục của nhân loại. Hình ảnh cây gậy vẫn chung ý nghĩa đó là sự chống đỡ, là vật định hướng cho con người ta trên con đường khai tâm thụ pháp. Cây gậy của Nhà Hiền triết là cây gậy dẫn đường của những người hành hương tìm về với cội nguồn, với Đức Chúa thiêng liêng – biểu tượng cao nhất của sự Hiền minh. Nhà Hiền triết với cây gậy của mình, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, cùng với trí tuệ tích lũy, ngài đang đi từng bước chuẩn bị cho sự giác ngộ và sự thần khải của Chúa trời.
Ngọn đèn đang tỏa sáng cũng là biểu tượng cho ánh sáng, sự anh minh xua đi bóng đêm thiếu hiểu biết. Trong hầu hết các dân tộc, ý nghĩa này của ngọn đèn không bao giờ bị lu mờ. Còn đối với sáu mặt của ngọn đèn, giống với ý nghĩa của con số sáu, ta có thể thấy, hình lục giác chính là sự tạo thành từ việc nối các điểm của hình ngôi sao sáu cánh. Ngôi sao đó là có thể hiểu là con dấu của vua Salomon vĩ đại và cũng là biểu tượng cho vũ trụ vĩ mô và con người toàn năng bởi lẽ chỉ khi hai sự đối lập cùng hòa nhập vào với nhau, tạo ra một chỉnh thể thống nhất mới đạt đến sự hoàn hảo nhất và thúc đẩy cho sự phát triển. Cây đèn sáu mặt có ý nghĩa biện chứng như vậy.
Ngoài ra, cây đèn trên tay Nhà Hiền triết già cũng khiến cho ta liên tưởng tới hnh ảnh của nhà triết học Diogenes khi cầm ngọn đuốc rực cháy, giữa ban ngày đi tìm “con người” trên phố phường Athen. Chủ nghĩa Hoài Nghi của Diogenes một lần nữa được tái hiện trong Nhà Hiền triết bởi lẽ đạt được tri thức rồi không có nghĩa là không đặt lại vấn đề. Đó là biểu hiện của con người sẵn sàng đương đầu với khó khăn để tìm ra chân lý đích thực. Những hành động kì lạ của người thông thái nhiều lúc khiến cho những con người trần tục không thể nào hiểu được. Ẩn sau sự điên đó lại chính là cái tri thức cao siêu khiến người người thán phục.
Vị Hiền triết hiện lên lặng lẽ như một ẩn sĩ, một người thầy kín đáo bước trên con đường của sự cẩn trọng. Ông là tượng trưng cho sự không màng dục vọng, là nhà triết học bí hiểm bậc nhất, là bậc hiền nhân thanh khiết. Trên bình diện tâm lý, Hiền triết là lá bài thể hiện cho một tâm hồn ưa thích tìm chân lý, thích làm theo ý kiến cá nhân mình với những hành động khác người, che giấu một tiềm lực to lên bên trọng một cách lặng lẽ.
Ghi Chú:
Diogenes của Sinope,
ông sống trong khoảng thời gian từ năm 412 TCN và qua đời vào năm 323 TCN, một
nhà triết học nổi tiếng của Hy Lạp và là một trong những người sáng lập nên
trường phái Triết học Hoài nghi. Ông coi trọng đức hạnh và coi đó là điều tốt
hơn mọi hành động. Những câu chuyện về ông hiện nay chủ yếu chỉ được lưu lại
dưới dạng giai thoại.
Bài viết "Phân Tích Phiên Bản Paul Marteau 1930 - Phần 10: THE HERMIT" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.