Phân Tích Phiên Bản Paul Marteau 1930 - Phần 06: THE HIEROPHANT


Tiểu dẫn: Trong hệ thống Tarot de Marseille, bộ Tarot de Nicolas Conver đóng vai trò rất quan trọng vì nó là bộ duy nhất được kế thừa bởi các nhà phát hành sau này. Có thể kể ra: phiên bản Paul Marteau 1930, Camoin Jodoromsky 1997, Tarot de Milleminium 2000, Tarot de Frornoy... Đặc biệt là phiên bản chuẩn 1930 với tên Ancien Tarot de Marseille. Đa số các bộ khác đều được phân tích chủ yếu trong các chuyên khảo, thì bộ này chủ yếu được phân tích ở sách cơ bản và thông dụng. Vì vậy, việc phân tích nó cũng là một điểm đáng chú ý. Loạt bài này có mục đích giới thiệu một cách nhìn tương đối tổng quát về các lá bài của phiên bản này.

Ghi chú: Các bài viết sau đây là kết quả từ sự cộng tác giữa Hoàng Hiền (viết chính) và tác giả blog. Bài viết chủ yếu mang quan điểm của Hoàng Hiền. Gửi lời cảm ơn đến cộng tác viên Hoàng Hiền vì đã đóng góp cho cộng đồng Tarot Việt Nam những bài viết bổ ích.


Phần 06: LE PAPE
(The Hierophant)


Sau lá bài Hoàng Đế, chúng ta sẽ đến với lá bài Đức Giáo hoàng. So với lá bài Nữ tư tế (II), thì tuy cùng là những nhân vật mang nhiệm vụ tôn giáo, nhưng Giáo hoàng (V) lại mang trong mình nhiều bí mật và ý nghĩa hơn.  

Dường như, sau khi đi từ những người bình dân (Ảo thuật gia), đến với như trí thức (Nữ tư tế), tiếp cận với vương quyền ( Nữ hoàng và Hoàng Đế) thì giờ là lúc ta đứng trước thần quyền vĩ đại, mang ý nghĩa linh thiêng và thần bí, Giáo hoàng.

Giáo hoàng đầu đội mũ miện ba vòng, mặc chiếc áo dài màu xanh và khoác chiếc áo choàng màu đỏ, râu tóc bạc phơ, hai ống tay áo cả người đều là màu trắng thanh khiết, tay cầm trượng đeo chiếc găng tay vàng có hinh thánh giá, tay còn lại đưa ra như đang chỉ dạy, ban phát điều tốt lành. Phía dưới có 2 người đang đứng xin chờ thụ pháp. Có thể nói hơi khó khăn khi nhận rõ hai người này: Người bên tay phải đội mũ tròn thuần màu hồng da, với chiếc áo choàng đỏ và một vạt vàng vắt ngang qua đang giơ tay lên tiếp nhận trong khi người bên cạnh, đầu đội chiếc mũ có đỉnh màu vàng, phía sau lưng còn có một chiếc mũ màu xanh lam, áo choàng màu vàng và xung quanh cổ áo màu đỏ thì đang buông tay xuống, dáng điệu ngược lại.

Vị Giáo hoàng với gương mặt hiền từ, bộ đồ mà Người mặc cùng cách bố trí màu sắc như Hoàng Đế, đều để màu đỏ mạnh mẽ, thuần dương phủ lên màu xanh tinh thần, thuần âm. So sánh với lá bài Nữ tư tế, rõ ràng Giáo hoàng thể hiện mình là con người tự tin với tri thức rộng rãi hơn hẳn. Màu đỏ bao trùm lên màu xanh thể hiện cho quyền lực của Giáo hoàng, chi phối thần quyền, là người nắm giữ sức mạnh cao nhất trong quan niệm Trung cổ. Nữ tư tế (II) thì có phần khiềm nhường hơn vì không phô trương sức mạnh, ẩn giấu trí tuệ mới là hình ảnh thông thái của những nữ tu sĩ hay thậm chí là các bậc nữ thông thái trong những câu chuyện xưa. 

Giáo hoàng đội chiếc mũ ba vòng mà theo như giải thích ở lá bài số II, đó là chiếc mũ thể hiện cho vương quyền của Giáo hoàng ở cả 3 lĩnh vực: vương quyền tinh thần đối với các linh hồn, vương quyền thế tục đối với các Nhà nước xuất thân từ Đế chế La Mã, vương quyền siêu đẳng đối với mọi vua chúa trên mặt đất. Điều đó đã được chính tòa thánh Vantican công nhận khi sử dụng biểu tượng này dành cho Đức Giáo hoàng đáng kính của họ. Chiếc mũ đó cũng thể hiện trí tuệ cao siêu, tấm lòng nhân ái của một bậc á thần – Giáo hoàng (V). 

Chiếc găng tay màu vàng với hình thập tự giá cùng với hai ống tay áo màu trắng thể hiện sự trong sạch trong tinh thần và tâm hồn của Giáo hoàng. Bởi lẽ trong nghi thức của đạo Thiên Chúa, việc mang găng tay biểu tượng cho việc tránh tiếp xúc thẳng hoặc vô ý với những thứ uế tạp. Đồng thời nó cũng là biểu hiện của sự thụ chức trong đạo Ki tô, ví dụ hi linh mục hành lễ, có thể chỉ ra một số chức vụ. Như vậy chiếc găng tay màu vàng với huy hiệu thánh giá chính là chiếc găng tay thể hiện chức vụ tối cao của Giáo hoàng. Màu vàng là màu của thần thánh, của ánh sáng, cũng là màu trong Thiên Chúa giáo cho là sự vĩnh hằng, của những lời dạy tốt lành từ Chúa. Vì vậy, chiếc găng tay màu vàng thể hiện sự gần gũi với các thiên thần, các thánh thần của Giáo hoàng. Còn cây thánh giá trên đó là biểu trưng cho tôn giáo, thể hiện tính chất thờ phụng của nhân vật Giáo hoàng. 

Cây thánh giá với ba thanh ngang đặc trưng mà Giáo hoàng cầm trên tay từ lâu đã trở thành một biểu tượng của hệ thống thứ bậc giáo hội. Từ thế kỷ XV có quy định: chỉ có Giáo hoàng mới có quyền đeo thánh giá ba thanh ngang, thánh giá hai thanh ngang thuộc về các hồng y và tổng giám mục ; thánh giá dơn giản là của các giám mục. Cây thánh giá đó tượng trưng cho quyền năng sáng tạo, xuyên qua ba thế giới: thánh thần, tâm lý và vật lý. Nếu ta để ý có thể thấy, ngoài ba thanh ngang, còn có bảy núm tròn ở các đầu gậy và trên đỉnh của chữ thập. Điều đó thể hiện sự hài hòa, cũng như sự hoàn hảo chi phối thế giới, cũng như thể hiện quyền năng của một Giáo hoàng. 

Hai cây cột màu xanh phía sau lưng của Giáo hoàng là tượng trưng cho vật đỡ, cho sự liên kết giữa các giai tầng kết cấu. Nó là mối quan hệ giữ trời và đất, là sự cảm ơn của con người đối với thần linh và sự thần thánh hóa một số danh nhân. Cột của Trajan là một ví dụ khi mà nó được dựng lên để ca ngợi vị hoàng đế này với 115 cảnh nhắc lại những phân đoạn đáng nhớ nhất trong lịch sử viễn chinh của hoàng đế(Mareus Ulpius Trajanus: Hoàng đế La Mã ( 98 -117 TCN), là một trong những vị vua đức độ, tài năng làm cho đế chế La Mã đạt cực thịnh một thời). Hay như những chiếc cột trong cung điện và đền thờ của vua Salomon của người Do Thái, đó là sự hiện diện của Chúa trời theo nghĩa tích cực (Salomon ( 970 – 931 TCN): Vua của người Do Thái, con trai của vua David. Là một nhà lãnh đạo tài năng, ông củng cố lại vương quốc do cha để lại, xây dựng đền đài ở Jerusalem, thành lập các hạm đội tung hoành trên biển Đỏ. Vị vua này gắn nhiều trong huyền thoại của người Do Thái, đặc biệt là hình tượng con dấu hình ngôi sao sáu cánh do hai tam giác ngược chiều nhau tạo thành.). Trong số những chiếc cột đó có hai chiếc là nổi tiếng nhất được làm bằng đồng hun dừng ở hành lang điện thờ... Có lẽ hình ảnh hai chiếc cột sau lưng Giáo hoàng cũng chịu ý nghĩa của những biểu tượng đó, đấy là sự vững chắc, ổn định, là ý niệm sức mạnh về giao ước không thể cắt đứt.

Đối với hai người đàn ông đang đối diện chịu lễ, ta có thể thấy được hai sự phản ứng ở đây. Người đưa tay ra mang sự chủ động trong khi đó người còn lại là mang sự thụ động khiêm nhường. Chính vì sự khiêm nhường đó mà anh ta yên lặng lắng nghe, tiếp nhận những truyền thống và giáo điều trong khi người kia lại đang cố gắng phổ biến một điều gì đó đáp lại việc được nhận những kiến thức kia. Và với vai trò là người thầy truyền pháp, Giáo hoàng chẳng nề hà gì khi đưa tay ra truyền bá kiến thức của mình. Người không cần đến quyển sách Thế giới như Nữ tư tế mà tất cả những kiến thức đó đều đã nằm trong đầu, thể hiện sự siêu việt của con người trung gian giữa Thần Thánh và người trần đoản mệnh ; hình ảnh Giáo hoàng được coi là vị Thầy của các Bí pháp. Rõ ràng, ông mang sức mạnh cao nhất của trí tuệ trong bộ các Arcana chính của bài Tarot cùng với quyền lực và trách nhiệm được trao, tận tình, cởi mở những trí thức đó với những người khao khát hiểu biết.

Lá bài Giáo hoàng là lá bài cuối cùng thể hiện những tri thức tượng trưng chủ động. Nếu đặt lá bài Ảo thuật gia làm chủ thể, đứng trước bốn khách thể tượng trưng cho thế quyền và thần quyền; ta đều thấy họ nắm giữ những bí mật tri thức cao nhất của thế giới. Sau nhóm thứ nhất này, lần đầu tiên, con người ta sẽ phải có sự lựa chọn cá nhân chứ không đơn thuàn là nghe chỉ dạy nữa. Sự lựa chọn đó chính là lá bài số VI – Chàng đa tình.

Ghi Chú:


Mareus Ulpius Trajanus: Hoàng đế La Mã ( 98 -117 TCN). Là một trong những vị vua đức độ, tài năng làm cho đế chế La Mã đạt cực thịnh một thời.

Salomon ( 970 – 931 TCN): Vua của người Do Thái, con trai của vua David. Là một nhà lãnh đạo tài năng, ông củng cố lại vương quốc do cha để lại, xây dựng đền đài ở Jerusalem, thành lập các hạm đội tung hoành trên biển Đỏ. Vị vua này gắn nhiều trong huyền thoại của người Do Thái, đặc biệt là hình tượng con dấu hình ngôi sao sáu cánh do hai tam giác ngược chiều nhau tạo thành.

DMCA.com Protection Status
Bài viết "Phân Tích Phiên Bản Paul Marteau 1930 - Phần 06: THE HIEROPHANT" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ